Saturday, 20/04/2024 - 12:12|
Chào mừng ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2022

Phòng GD&ĐT TP. Bắc Giang  tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại phường Lê Lợi

Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2017), chiều 14/11, Phòng GD&ĐT thành phố Bắc Giang tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo đã đến nói chuyện với chủ đề "Bác Hồ và những bài học đạo đức dành cho học sinh”, tại phường Lê Lợi.

TS H C Bao.jpg

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo nói chuyện về Bác Hồ trong buổi giáo dục kỹ năng sống.

Tham dự buổi nói chuyện chuyên đề gồm có toàn thể học sinh Trường TH Lê Lợi, THCS Lê Lợi, cán bộ, giáo viên của hai nhà trường cùng các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng, tổng phụ trách đội của 34 trường TH, THCS trong thành phố Bắc Giang.

image(43).png

Các đại biểu tham dự buổi giáo dục kỹ năng sống.

image(44).png

Các thày, cô là cán bộ quản lý các nhà trường tham dự buổi Giáo dục kỹ năng sống.

Trong buổi nói chuyện, Giáo sư Hoàng Chí Bảo ôn lại những truyền thống hiếu học của gia đình và kỷ niệm về thời niên thiếu của Bác Hồ; những tấm gương về tinh thần vượt khó, tự học, tấm gương về lòng yêu nước thương dân, tấm gương về cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Qua buổi nói chuyện với những câu chuyện, mẩu chuyện có thật về chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọng lại trong ký ức mỗi thầy cô giáo, các em học sinh nhiều cảm xúc, nhiều bài học đạo đức quý báu đặc biệt là bài học giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.

Giáo sư, Tiến sĩ Triết học Hoàng Chí Bảo là chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, các bài nói chuyện của ông luôn cuốn hút, đầy tính thuyết phục; Trong bài nói chuyện Giáo sư nhấn mạnh tư tưởng Hồ Chí Minh về nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc và giáo dục tốt cho các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ... Vì tương lai của con em chúng ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”. Trước lúc đi xa, Người lại dặn rằng “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng” cho thế hệ trẻ.

Như chúng ta đã biết, nhiệm vụ của nhà trường là giáo dục cho học sinh ở hai mặt chính: Đức dục và Trí dục. Dạy học và rèn luyện đạo đức phải được tiến hành song song và đồng bộ. Giáo dục đạo đức là việc giáo dục cho học sinh nhân cách sống, biết yêu quê hương, đất nước, con người, biết cách cư xử lễ phép với mọi người xung quanh, sống và làm việc theo pháp luật, hiểu và tôn trọng tập tục truyền thống của ông cha, biết điều hay lẽ phải, tránh những thói hư tật xấu, biết yêu thương giúp đỡ người kém may mắn hơn...

Ngày nay, theo đà phát triển đi lên của xã hội, đạo đức của học sinh cũng có nhiều thay đổi. Theo nhận định chung thì đạo đức của thanh thiếu niên, đặc biệt là ở học sinh sa sút rất nhiều. Chúng ta vẫn thấy học sinh nói tục, chửi bậy, không vâng lời cha mẹ, thầy cô; đánh nhau, trốn học …; học sinh thiếu những kĩ năng sống cơ bản; tư tưởng lệch lạc, sống không có lý tưởng. Đạo đức, lối sống, tư tưởng của học sinh ngày càng đi xuống bởi nhiều lý do nhưng nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế thị trường làm cho mọi người trong xã hội bận rộn nhiều với công việc, với những toan tính để làm giàu mà lãng quên đi một việc hết sức quan trọng là gần gũi, giáo dục nhân cách cho con cái trong gia đình. Mặt khác có lẽ do chúng ta chưa tìm ra những giải pháp tốt có hiệu quả trong việc giáo dục chuẩn mực đạo đức cho học sinh khi xã hội ngày càng phát triển và thay đổi như hiện nay. Do đó một nhiệm vụ hết sức quan trọng đặt ra cho nhà trường, đó là, song song với việc dạy học phải nghiên cứu, tìm hiểu thực tế để tìm ra những giải pháp tốt nhất, những kinh nghiệm giáo dục có hiệu quả nhất để cùng nhau giáo dục lớp trẻ trở thành những người tốt, có ích cho xã hội.

Trước thực trạng có nhiều biểu hiện của việc xuống cấp trong đạo đức, lối sống của học sinh hiện nay, mỗi chúng ta đều cảm thấy trăn trở và đều thấy được vai trò trách nhiệm của mình trong đó. Qua các buổi nói chuyện chuyên đề như thế này sẽ góp phần không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống cho học sinh. Việc tổ chức có hiệu quả các tiết hoạt động tập thể và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Việc giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống cho học sinh sẽ đạt hiệu quả rất nhiều nếu các nhà trường tổ chức tốt các tiết hoạt động tập thể và các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Việc giáo dục đạo đức cho học sinh không còn là việc riêng của nhà trường, các hoạt động này muốn duy trì thường xuyên phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Có như vậy chúng ta mới làm tốt công tác giáo dục và thực hiện tốt đường lối “Xã hội hóa giáo dục” của Đảng và Nhà nước đề ra. Chính vì vậy, trong thời gian tới đề nghị các nhà trường và bản thân mỗi giáo viên cần phải thường xuyên liên hệ với phụ huynh học sinh, từ đó phối kết hợp với phụ huynh để tìm ra nhiều biện pháp giáo dục đạo đức tốt nhất; đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp thiết; là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Giáo dục thành phố năm học 2017-2018.

 

Ngô Minh Hưng - Trưởng phòng GD&ĐT 

 

Lượt xem: 41.541
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 52
Hôm qua : 292
Tháng 04 : 2.075
Năm 2024 : 18.054